Nhằm nâng cao năng lực trong điều tra, giám sát và bảo tồn các loài chim di cư thuộc đường bay Đông Á- Úc Châu (EAAF), vào ngày 28/10/2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (Thiên nhiên Việt) phối hợp với ông Ding Li Yong, cán bộ Điều phối viên khu vực của Tổ chức chim Quốc tế (BirdLife International) tại Singapore tổ chức tập huấn kỹ năng khảo sát, giám sát chim di cư nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy và khu bảo tồn đất ngập nước (KBTDNT) Thái Bình, Việt Nam.
Các thành viên tham gia buổi tập huấn chụp ảnh kết thúc khóa học
Việt Nam là trung tâm của Đường bay chim di cư EAAF, là nơi sinh sống của hơn 50 triệu con chim nước di cư - bao gồm các loài chim ăn ven bờ (Shorebirds), các loài trong họ Vịt (Anatidae: Vịt, Ngỗng và Thiên Nga) và các loài Sếu - từ hơn 250 quần thể khác nhau, trong đó có hơn 33 loài hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu ở các cấp độ khác nhau (Rất Nguy cấp-CR, Nguy cấp- EN và Sắp Nguy cấp-VU). Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng nhất trong Đường bay đối với chim nước di cư, với sự đa dạng của các kiểu đất ngập nước nội địa và ven biển từ đồng bằng sông Hồng ở phía bắc đến đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam, và là nơi sinh sống của nhiều loài chim nước di cư bị đe dọa nhất trên thế giới, chẳng hạn như loài Rẽ mỏ thìa, Mòng bể mỏ ngắn và Cò thìa.
Phạm vi của đường bay Đông Á-Úc Châu, trong đó có Việt Nam với các loài bị đe dọa toàn cầu
Nội dung tập huấn bao gồm ba phần chính. Mở đầu chương trình là bài trình bày về “Chim di cư và các mối đe dọa đối với chúng” của ông Ding Li, thông qua kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom. Tiếp theo là phần trình bày của ông Lê Trọng Trải, Phó giám đốc Trung tâm với các nội dung: giới thiệu về đường bay chim di cư Đông Á-Úc Châu; các loài chim di cư, lập kế hoạch điều tra, giám sát, giới thiệu trang thiết bị điều tra chim, cách nhận biết các loài chim nước và chim di cư. Kết thúc buổi tập huấn, ông Phan Văn Trường Cán bộ quản lý Phòng môi trường và Bảo tồn VQG Xuân Thủy giới thiệu về các loài chim di cư về Vườn Quốc Gia Xuân Thủy đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quản lý bảo vệ của VQG. Kết quả đánh giá trước buổi tập huấn cho thấy đa số cán bộ của VQG Xuân Thủy đã có kỹ năng liên quan đến nội dung tập huấn trong khi đó ba phần tư cán bộ của Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Bình lần đầu tiên được biết đến những kỹ năng này.
Thông qua buổi tập huấn, các cán bộ từ VQG Xuân Thủy và KBTDNN Thái Bình một lần nữa được tiếp thu những kiến thức, thông tin và kỹ năng liên quan đến Đường bay chim di cư, các loài chim di cư và những yêu cầu cần thiết trong điều tra, giám sát và bảo tồn chúng. Ông Lê Trọng Trải nhấm mạnh một thông điệp trong buổi tập huấn: “Các loài chim nước di cư là linh hồn của các vùng đất ngập nước, vì vậy bảo vệ và quản lý sinh cảnh cho chúng là rất cần thiết”.Trong mùa di cư này, 2021-2022 Thiên nhiên Việt và các cán bộ của dự án sẽ phối hợp cùng với cán bộ của hai Ban bảo tồn đất ngập nước điều tra, đánh giá tình trạng các loài chim nước di cư ở các sinh cảnh đất ngập nước dọc bờ biển từ Hải Phòng về đến Nam Định. Các đợt điều tra này ưu tiên tìm kiếm các loài đang bị đe dọa toàn cầu của Đường bay Đông Á-Úc Châu, đặc biệt là loài Rẽ mỏ thìa, Mòng bể mỏ ngắn và Cò thìa.
Các cán bộ của KBTDNN Thái Bình bày tỏ mong muốn trong tương lai có thể tham gia thêm các chương trình tập huấn tương tự đồng thời được trực tiếp học hỏi thêm thông qua các đợt điều tra trên thực địa và được hỗ trợ trang thiết bị trong điều tra và giám sát các loài chim nước di cư. Sau buổi tập huấn này, các cán bộ chủ chốt của KBDNN Thái Bình sẽ xây dựng kế hoạch học tập kinh nghiệm tổ chức và quản lý từ VQG Xuân Thủy.
Một số hình ảnh từ buổi tập huấn:
Ông Lê Trọng Trải khai mạc buổi tập huấn
Ông Ding Li, điều phối viên của BirdLife International tại Singapore trình bày online
Ông Phan Văn Trường chia sẻ kinh nghiệm quản lý tại vườn Quốc gia Xuân Thủy
Đại diện các bên tham gia chương trình chụp ảnh kỉ niệm (theo thứ tự từ trái qua phải)
Ông Phan Văn Trường (VQG Xuân Thủy), Ông Bùi Quang Đính (KBTNN Thái Bình) và ông Lê Trọng Trải (Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt)
Chia sẻ: