Để góp phần bảo tồn các cảnh quan và các loài động vật hoang dã thì một trong những việc quan trọng là tạo được sinh kế thay thế cho cộng đồng người dân địa phương những người sống tại vùng đệm trước đây sống chủ yếu nhờ các nguồn lợi từ rừng. Để thực hiện việc này, Việt Nature đã và đang thực hiện các hoạt động sinh kế khác nhau để hỗ cộng đồng địa phương:
Trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC tại huyện Lệ Thủy:
Xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy có diện tích khoảng 48.730 ha, chiếm hơn 1/3 diện tích của toàn huyện và là xã có diện tích rừng rất lớn. Dù vậy, keo chủ yếu được trồng với chu kỳ ngắn (từ 3 – 4 năm) để bán làm gỗ dăm cho các cơ sở thu mua sơ chế tại huyện với giá thấp. Để giúp người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều ổn định đời sống, có thu nhập ổn định và được cải thiện từ việc trồng keo Dự án Khe Nước Trong (KNT) thuộc Việt Nature đã hỗ trợ người dân tiến hành khảo thực địa, tổ chức tập huấn giới thiệu về hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, hỗ trợ người dân đăng ký tham gia hệ thống FSC, tập huấn kỹ thuật 6 chuyên đề của FSC và hỗ trợ thành lập Hội chủ rừng phát triển bền vững huyện Lệ Thủy là pháp nhân đại diện cho các lâm hộ tham gia hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC với diện tích đăng ký năm 2020 lên đến hơn 1000ha rừng trồng với gần 200 lâm hộ và doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, dự án KNT còn hỗ trợ các lâm hộ tham vấn thành lập Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTXLNBV) cho các lâm hộ có nguyện vọng tham gia. HTXLNBV sẽ cung cấp một số dịch vụ lâm nghiệp thiết yếu nhất nhưng đang có nhiều hạn chế tại địa phương như cung cấp giống cây trồng có chất lượng, phân bón, mua lại rừng non khi xã viên thiếu vốn đầu tư vào sản xuất v.v..
Để tăng cường sự hợp tác của các cơ quan có liên quan, dự án KNT đã thúc đẩy để ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng HTXLNBV gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC tại huyện Lệ Thủy cho giai đoạn 2020 – 2025.
Hoạt động FSC được kỳ vọng sẽ đem lại sinh kế bền vững cho người dân tại xã Kim Thủy sau đó sẽ lan tỏa sang các xã khác trên địa bàn toàn huyện. Hoạt động này góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường thông qua áp dụng hệ thống quản lý rừng bền vững, không đốt thực bì, không xả rác trong rừng, bảo vệ sinh cảnh dễ bị tổn thương và động vật hoang dã, khai thác gỗ tác động thấp, kéo dài chu kỳ cây giúp duy trì và ổn định tán rừng, tăng khả năng hấp thụ các bon…